Có lẽ không ít người trong chúng ta gặp phải tình trạng miệng hôi và đắng mỗi khi vừa thức dậy. Nếu bạn là một trong số này, hãy đừng chủ quan bởi đây có thể là một trong những dấu hiệu của một số bệnh lý. Chúng ta cùng tìm hiểu về nguyên nhân khiến sáng ngủ dậy miệng đắng và hôi trong bài viết sau nhé!
Mục lục
Sáng ngủ dậy miệng đắng và hôi do đâu?
`Hôi miệng hay hơi thở có mùi vào buổi sáng khi vừa thức dậy là một tình trạng phổ biến nhiều người gặp phải. Bởi trong khi chúng ta ngủ, tuyến nước bọt giảm tiết dịch khiến cho miệng bị khô và tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi phát triển.
Tuy nhiên, nếu như bạn vừa thấy hơi thở có mùi hôi lại cảm giác trong miệng có vị đắng thì có thể đó không đơn thuần là vấn đề răng miệng, hãy kiểm tra xem bạn có đang ở trong các trường hợp sau đây không nhé!
Bệnh trào ngược dịch mật
Dịch mật chứa trong túi mật là sản phẩm do gan sản xuất ra nhằm tiêu hóa chất béo trong thức ăn đồng thời giúp loại bỏ độc tố cho cơ thể và tăng cường miễn dịch.
Trào ngược dịch mật là một trong những nguyên nhân chính gây cảm giác đắng miệng. Hầu hết các trường hợp bị trào ngược dịch mật là do biến chứng sau phẫu thuật túi mật, dạ dày hoặc bị viêm loét dạ dày.
Nếu như buổi sáng thức dậy bạn có cảm giác miệng hôi và đắng kèm theo các triệu chứng khác như ợ nóng, cơ thể mệt mỏi, sụt cân, ho khan… thì cần đi khám sớm.
Suy giảm chức năng gan
Gan là cơ quan quan trọng thực hiện các chức năng như chuyển hóa dinh dưỡng, sản xuất dịch mật, sản xuất protein, hồng cầu, thải độc máu và dự trữ năng lượng. Khi chức năng gan suy giảm sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiết mật. Từ đó gây ra các vấn đề về tiêu hóa, người bệnh thường sợ mỡ, chán ăn, vàng da, thường xuyên thấy đắng miệng.
Đối với các triệu chứng nghi ngờ bệnh về gan, bạn cần nhanh chóng đi khám và làm các xét nghiệm men gan, siêu âm gan… để kiểm tra sức khỏe của cơ quan này. Chớ để lâu sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Trào ngược dạ dày, thực quản
Các bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày, thực quản, viêm dạ dày, tá tràng cũng ảnh hưởng tới vị giác, gây đắng miệng và hơi thở có mùi hôi. Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản còn gây các chứng ợ hơi, ợ chua, tức ngực, đau tức thượng vị, ho… Nếu thấy bản thân đang có các triệu chứng trên, bạn cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được điều trị sớm.
Xem thêm: Cách trị hôi miệng do bệnh dạ dày
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường khiến cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái thiếu nước. Khô miệng là một biểu hiện của bệnh tiểu đường, đặc biệt là khô miệng vào nửa đêm khiến cho miệng hôi và đắng.
Bệnh tiểu đường cần được kiểm soát sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Vì thế nếu có dấu hiệu khát nước thường xuyên, khô miệng về đêm, tiểu nhiều, sụt cân, mắc các bệnh nhiễm trùng…, bạn cần nghi ngờ bệnh tiểu đường.
Do gặp vấn đề về răng miệng
Hôi miệng kèm theo đắng miệng có thể là một dấu hiệu của các vấn đề răng miệng như khô miệng, cao răng, sâu răng, viêm nướu. Khi răng miệng đang gặp phải các vấn đề này, vi khuẩn sẽ có cơ hội phát triển, hoạt động mạnh mẽ sinh ra các sản phẩm khí có mùi khó chịu.
Để ngăn ngừa các bệnh lý về răng và nướu, điều quan trọng nhất bạn cần tuân thủ đó là giữ vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ. Lấy cao răng 6 tháng/ lần. Đồng thời, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để răng và nướu khỏe mạnh từ bên trong.
Do rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động tiết nước bọt, hoạt động của hệ tiêu hóa, miễn dịch dẫn đến một số vấn đề như khô miệng, hôi miệng, viêm sưng nướu, viêm nha chu…
Những đối tượng dễ bị hôi miệng, đắng miệng do thay đổi nội tiết đó là phụ nữ đang mang thai, phụ nữ tiền mãn kinh, người đang bị stress… Tình trạng này hôi miệng sẽ được cải thiện khi nội tiết tố được cân bằng trở lại.
Có thể bạn quan tâm: Cục trắng hôi trong miệng là gì, có nguy hiểm không?
Biện pháp xử lý khi miệng bị đắng và hôi sau khi ngủ dậy
Như vậy, cảm giác đắng miệng và hơi thở có mùi vào mỗi sáng thức dậy không chỉ là dấu hiệu cảnh báo cơ thể chúng ta đang gặp vấn đề sức khỏe. Từ đó, bạn cần theo dõi thêm các biểu hiện khác và nếu nghi ngờ gặp phải các bệnh lý, bạn cần tới bệnh viện để kiểm tra cụ thể và sớm có biện pháp điều trị.
Bên cạnh đó, tình trạng hôi và đắng miệng sẽ gây phiền toái cho bạn khi giao tiếp, vì thế có thể bạn cần quan tâm đến những biện pháp nhanh chóng xử lý tình trạng hôi miệng.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên
Chải răng sạch sẽ giúp lấy đi những mảnh vụn thức ăn ở kẽ răng và các mảng bám – đây là nguồn thức ăn béo bở cho vi khuẩn gây mùi.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia về sức khỏe răng miệng, chúng ta cần đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày sáng và tối. Dùng kem đánh răng chứa fluoride và chứa các thành phần chiết xuất thiên nhiên như bạc hà, trà xanh, hoa cúc… giúp hơi thở sạch sẽ và thơm mát.
Khi chải răng, bạn không nên bỏ qua việc làm sạch lưỡi bởi bề mặt lưỡi cũng chứa nhiều mảng bám thức ăn và vi khuẩn trú ngụ gây hôi miệng.
Làm sạch các khe kẽ răng bằng tăm chỉ nha khoa để hạn chế tình trạng thức ăn sót lại dẫn tới mùi hơi thở.
Súc miệng thường xuyên sau khi ăn và sau khi đánh răng để loại bỏ vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng.
Tham khảo: Các loại nước súc miệng giảm mùi hôi nhanh chóng
Chế độ ăn uống khoa học
Tiêu thụ ít các loại thức ăn, thức uống có mùi nặng và dễ bị lưu lại trong miệng và hơi thở như tỏi, hành, tiêu, cà ri, măng tây, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, rượu, cà phê…
Từ bỏ các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu bởi những chất này không chỉ khiến hơi thở có mùi mà còn có nhiều tác hại cho sức khỏe.
Uống ngay một cốc nước ấm sau khi thức dậy để giảm tình trạng khô miệng – nguyên nhân khiến cho miệng hôi và đắng.
Xem thêm: Các mẹo vặt xử lý hôi miệng hiệu quả
Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Một chế độ sinh hoạt lành mạnh rất có lợi cho sức khỏe răng miệng, nhất là cải thiện tình trạng hôi miệng do rối loạn nội tiết. Những thói quen sinh hoạt lành mạnh như tập thể duc nhẹ nhàng mỗi ngày, ngủ sớm, thư giãn tâm trí… cần được bạn duy trì mỗi ngày.
Xử lý mùi hôi miệng và cảm giác đắng miệng tạm thời
Dùng gừng để trị hôi miệng, giảm cảm giác đắng miệng là một mẹo hiệu quả giúp xua đi mùi khó chịu trong miệng và hơi thở. Mỗi sáng ngủ dậy sau khi đánh răng bạn có thể ngậm một lát gừng tươi hoặc dùng gừng chế biến thành nước súc miệng và sử dụng.
Uống trà xanh vào buổi sáng không chỉ giúp tinh thần thư thái, sảng khoái mà còn chống hôi miệng, đắng miệng. Chú ý khi uống trà xanh vào buổi sáng bạn nên uống sau khi đã ăn lót dạ và nên pha trà loãng để không bị ố vàng răng.
Ngậm ô mai chua ngọt nhằm kích thích tuyến nước bọt sản xuất nước bọt chống khô miệng, hôi miệng. Vị chua ngọt của ô mai dễ dàng xua đi cảm giác đắng miệng.
Nhai kẹo cao su không đường có vị bạc hà hoặc hoa quả vừa tăng tiết nước bọt để tiêu diệt vi khuẩn gây mùi vừa lưu lại hương thơm tươi mát trong miệng.
Qua đây chắc hẳn bạn đã nắm được những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sáng ngủ dậy miệng hôi và đắng. Hy vọng những hướng dẫn xử lý và khắc phục tạm thời vấn đề này. Nếu như nghi ngờ bản thân đang gặp phải bệnh lý gây hôi và đắng miệng khi thức dậy, bạn hãy đừng chần chừ mà đi khám sức khỏe ngay để điều trị kịp thời và dứt điểm.
Có thể bạn quan tâm: Có nên cạo lưỡi hàng ngày? Cạo lưỡi thế nào là đúng?