Lớp màng nhầy màu trắng xuất hiện bên trong miệng đem lại cảm giác khó chịu và khiến nhiều người tự ti trong khi giao tiếp. Không chỉ vậy, hiện tượng này kéo dài dai dẳng làm dấy lên lo lắng về các bệnh lý răng miệng. Vậy, lớp màng nhầy màu trắng trong miệng là do đâu, có nguy hiểm không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tình trạng này kỹ hơn trong nội dung dưới đây.
Mục lục
Lớp màng nhầy màu trắng bên trong miệng là gì?
Màng nhầy màu trắng trong miệng là hiện tượng kết màng mỏng trong miệng. Những màng này có thể màu trắng trong như lòng trắng trứng hoặc các bợn trắng tạo màng mỏng, màu trắng đục, đôi khi kèm mủ. Màng nhầy trắng có thể bám ở niêm mạc má, niêm mạc dưới môi, quanh nướu, lưỡi hoặc vùng họng. Người bệnh có cảm giác trơn nhớt, sền sệt ở trong miệng.
Màng nhầy trắng trong miệng thường có một số đặc điểm như:
- Xuất hiện nhiều hơn vào sáng sớm hoặc khi mới ngủ dậy.
- Sau khi vệ sinh răng miệng, lớp màng có thể xuất hiện trở lại sau khoảng 1 – 2 tiếng.
- Sau 1 – 2 tiếng xuất hiện, lớp màng có thể bóc tách được.
Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà lớp nhầy màu trắng trong miệng có thể gây đau và xuất hiện kèm những tổn thương khác. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân là gì, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Nguyên nhân gây lớp nhầy màu trắng trong miệng
Lớp nhầy màu trắng trong khoang miệng có thể hiệu của các bệnh lý răng miệng, thường gặp nhất như:
Nấm miệng
Nấm miệng xảy ra khi nấm Candida albicans phát triển quá mức, tích tụ trên niêm mạc miệng và thường gây tổn thương cho lưỡi và má trong. Một số trường hợp, nấm có thể phát triển trong vòm họng, nướu răng, amidan hoặc sau họng. Nấm miệng là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, những người dùng răng giả, người lạm dụng corticoid dạng hít hoặc người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch.
Nấm miệng thường xuất hiện đột ngột với một số triệu chứng điển hình như:
- Mảng trắng kem hoặc ngà vàng (giống phô mai), hơi nhớt xuất hiện ở mặt trên của lưỡi, má trong đôi khi ở vòm họng, lợi và amidan.
- Các tổn thương trong khoang miệng có hình dáng giống như phô mai cottage.
- Đau nhức, nóng rát.
- Khi cạo lớp trắng, người bệnh có thể bị chảy máu.
- Khô miệng, nứt góc miệng.
- Cảm giác bông xốp trong miệng.
- Có mùi khó chịu và mất vị giác.
- Nếu nấm lan xuống thực quản, người bệnh có thể bị khó nuốt hoặc cảm giác mắc nghẹn ở họng.
Bệnh nấm miệng có thể dễ dàng kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị sớm. Các thuốc thuốc chống nấm thường dùng trong điều trị như: fluconazole, clotrimazole, nystatin, itraconazole hoặc amphotericin B.
Tìm hiểu thêm: Chân lợi bị trắng có nguy hiểm không?
Liken phẳng (Lichen planus)
Liken phẳng được xếp vào nhóm bệnh tự miễn, xảy ra do các phản ứng tự miễn dịch qua trung gian tế bào T chống lại các tế bào sừng thượng bị màng đáy. Bệnh cũng có thể được khởi phát do bởi một số loại thuốc như: thuốc chẹn beta, thuốc chống viêm NSAIDs, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chống sốt rét, penicillamine, sulfonylurea và thiazide. Ngoài ra, đã có một số báo cáo về mối liên hệ giữa bệnh Liken phẳng với viêm gan và viêm đường mật nguyên phát.
Khoảng 50% trường hợp Liken phẳng xuất hiện tổn thương niêm mạc miệng với các triệu chứng:
- Màng nhầy màu trắng bao phủ các vị trí không có răng trong khoang miệng.
- Niêm mạc má có tổn thương dạng lưới, màu trắng xanh (mạng lưới Wickham striae).
- Phát triển vết loét, không sâu, gây đau, có thể phát triển thành ung thư nếu không được điều trị tốt.
Sau khi phát triển ở miệng, bệnh Liken phẳng có thể gây ra các tổn thương trên da, tóc và móng. Lòng bàn tay và bàn chân người bệnh có thể bị sần sùi, màu hơi vàng. Trên da xuất hiện những nốt sần, phẳng, màu đỏ đến tím, gây ngứa da. Các tổn thương có thể phát triển theo thời gian, đậm màu hơn, teo mòn, dày sừng hoặc nổi bọng nước trên da. Trên da đầu, Liken phẳng gây rụng tóc thành mảng do sẹo. Tại móng, bệnh gây ra các rãnh dọc và làm mỏng hai bên bờ móng.
Điều trị Liken phẳng ở miệng thường sử dụng các thuốc như: Lidocaine gây tê và giảm trợt loét niêm mạc, thuốc mỡ Tacrolimus giúp giảm viêm, phục hồi về loét,. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc uống như: dapsone, hydroxychloroquine, cyclosporine kết hợp với súc miệng với cyclosporine.
Có thể bạn quan tâm: Cục trắng có mùi hôi trong họng là gì?
Ung thư miệng
Ung thư miệng xảy ra khi có các tổn thương ác tính xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, gồm: lưỡi, lợi hàm dưới, niêm mạc má, lợi hàm trên, sàn miệng, khẩu cái và môi. Trong đó, ung thư lưỡi là tình trạng phổ biến hơn cả, chiếm khoảng 40% các trường hợp ung thư miệng.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng gồm: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia hoặc nhiễm HPV. Bạn có thể nhận diện ung thư miệng qua các dấu hiệu như:
- Niêm mạc miệng xuất hiện những chấm trắng, bề mặt gồ ghề và bờ viền không đều.
- Lợi hàm hoặc niêm mạc má xuất hiện mụn trắng tương tự như hạt cơm.
- Các tổn thương trên niêm mạc không thể tự lành sau 2 tuần.
- Nổi cục cứng, không đau, bờ viền không rõ và phát triển to dần ở dưới niêm mạc miệng bình thường.
- Một vùng niêm mạc đỏ, đau rát và khó lành.
- Đau khoang miệng không rõ nguyên nhân.
Ung thư miệng phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị bằng các biện pháp phẫu thuật như: cắt bỏ khối u đơn thuần, cắt u và nạo vét hạch cổ, cắt u, nạo vét hạch cổ kèm phẫu thuật tái tạo. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được xạ trị và hoá trị trước hoặc sau phẫu thuật để tăng hiệu quả điều trị.
Nguyên nhân khác
Ngoài yếu tố bệnh lý, lớp màng trắng cũng thường gặp ở những người dùng răng giả không vừa miệng hoặc thường xuyên cắn vào má trong, bên trong môi khi ăn. Tình trạng này gây kích ứng và sản sinh ra các bạch sản trong khoang miệng. Đôi khi, lớp bợn trắng trong miệng chỉ do cơ thể bị thiếu nước, miệng quá khô. Những trường hợp này, lớp màng trắng có thể tự hết sau một vài ngày khi bạn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, điều chỉnh thói quen sinh hoạt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Để biết chính xác nguyên nhân gây ra lớp màng trắng trong miệng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế thăm khám và thực hiện xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
Hỏi đáp: Sưng mộng răng là bị gì?
Làm gì khi miệng có lớp nhầy màu trắng?
Tuỳ vào nguyên nhân cụ thể mà lớp nhầy màu trắng trong miệng có thể vô hại hoặc nguy hại đến sức khoẻ. Người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây để có biện pháp phù hợp và kịp thời khi gặp phải tình trạng này:
- Vệ sinh răng miệng: Duy trì thói quen đánh răng 2 lần/ ngày kết hợp với nước súc miệng, chỉ nha khoa để làm sạch khoang miệng tốt hơn.
- Điều chỉnh chế độ ăn: Đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Ngoài ra, bạn nên ưu tiên những thực phẩm mát, nấu chín mềm và hạn chế những ăn những thực phẩm, gia vị cay, nóng.
- Uống đủ nước: Bổ sung đủ nước cho cơ thể, khoảng 35g/ kg/ ngày. Bạn cũng nên chia thành nhiều lần uống trong ngày thay vì uống dồn dập vào cùng một lúc.
- Hạn chế thói quen xấu: Bao gồm hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn và ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt. Những điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh răng miệng.
- Không tự ý dùng thuốc: Sử dụng thuốc sai cách có thể gây tác dụng phụ và khiến quá trình điều trị sau này khó khăn hơn. Do đó, bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Thăm khám: Nếu lớp màng trắng trong miệng không kèm triệu chứng khó chịu, bạn có thể điều chỉnh lối sống và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, sau 2 tuần mà triệu chứng không cải thiện, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Lớp nhầy màu trắng xuất hiện trong miệng có thể khiến bạn khó chịu và lo lắng. Tuy nhiên, bạn cần bình tĩnh đánh giá và theo dõi tiến triển của các triệu chứng. Nếu tình trạng này không được cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng hơn, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ sớm nhất.