Áp xe răng là một biến chứng viêm nhiễm trong khoang miệng mà nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nguy hại cho sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể. Điều trị áp xe răng bằng thuốc gần như là một liệu pháp không thể thiếu trong các phác đồ điều trị áp xe răng. Bài viết sau đây sẽ nói về thuốc điều trị áp xe răng và những điều cần chú ý khi dùng thuốc.
Mục lục
Vì sao bị áp xe răng?
Áp xe răng là hiện tượng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào các tổ chức mô mềm quanh răng như nướu, nha chu, chóp răng và hình thành ổ viêm chứa mủ tại các vị trí đó. Nguyên nhân khiến cho vi khuẩn có thể tấn công vào các mô quanh răng gây áp xe thường xuất phát từ những nguyên nhân sau đây
Sâu răng
Sâu răng tạo ra con đường cho các vi sinh vật có hại xâm nhập vào tổ chức bên trong răng thông qua các lỗ sâu trên bề mặt răng. Vi khuẩn gây sâu răng thường ăn mòn dần men răng và tiến sâu vào tủy răng gây ra nhiễm trùng tủy răng và tình trạng viêm nhiễm này lan rộng đến chóp răng và phát triển thành áp xe chân răng.
Bệnh nha chu
Bệnh lý nha chu là tình trạng viêm nhiễm tổ chức mô nha chu thường diễn ra trong một thời gian dài thuộc dạng mãn tính. Tuy nhiên, khi vi khuẩn hoạt động bùng phát, sản sinh nhiều độc tố tạo thành ổ áp xe có mủ ở nướu và mô nha chu.
Chấn thương răng
Do các chấn thương, va đập gây tình trạng vỡ, nứt mẻ răng khiến cho lớp bảo vệ răng bị phá hủy và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong răng gây ra các nhiễm trùng.
Vệ sinh răng miệng kém
Khi răng miệng không được làm sạch thường xuyên và kỹ càng, thức ăn, mảng bám sẽ tích tụ trên bề mặt răng và là nơi vi khuẩn trú ngụ và tăng nguy cơ lây lan, gây viêm nhiễm các tổ chức nướu, răng.
Những đối tượng nào dễ bị áp xe răng?
Ngoại trừ những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng áp xe răng, chúng ta cũng cần biết đến những yếu tố nguy cơ góp phần gây ra áp xe khi tồn tại nhiễm trùng tại các tổ chức răng miệng. Những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ bị áp xe răng cao hơn người bình thường, gồm
Người có hệ miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm nha chu, viêm nướu…
Người hút nhiều thuốc lá, dùng nhiều đồ uống có cồn thường có sức khỏe răng miệng kém và dễ mắc bệnh lý răng miệng.
Phụ nữ mang thai có sự thay đổi hooc môn nội tiết mạnh mẽ, miễn dịch giảm cũng như thiếu hụt canxi hoặc tiểu đường thai kỳ sẽ khiến thai phụ dễ mắc bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu, bệnh nha chu…
Nhiễm trùng răng miệng tiến triển thành áp xe là khi mà tình trạng viêm nhiễm đã ở mức độ rất nghiêm trọng, nhiều tổ chức mô mềm và xương đã bị tổn thương, hoại tử. Nếu không điều trị sớm tình trạng áp xe răng, bệnh nhân sẽ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như tiêu xương, mất răng, viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, áp xe não…
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị áp xe răng
Phương pháp điều trị phổ biến khi bị áp xe răng là giải quyết tình trạng áp xe cấp tính nhằm thuyên giảm các triệu chứng đau nhức dữ dội, sốt, mệt mỏi do áp xe gây ra, sau đó là điều trị nguyên nhân để ngăn ngừa viêm và áp xe tái phát. Trong quá trình điều trị áp xe răng, một số loại thuốc quan trọng thường được bác sĩ kê toa kết hợp cho bệnh nhân sử dụng bao gồm:
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh đóng vai trò ức chế hoạt động và tiêu diệt các vi sinh vật gây ra nhiễm trùng, ngăn chặn sự lan rộng của chúng và chấm dứt tình trạng viêm nhiễm.
Những loại kháng sinh phổ biến hiệu quả đối với vi khuẩn gây áp xe răng gồm có Penicillin, Erythromycin, Spiramycin, Clarithromycin, Clindamycin, Tetracycline và Metronidazole. Liều dùng và thời gian dùng liệu trình kháng sinh phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Liệu trình kháng sinh điều trị áp xe răng thường kéo dài khoảng 7 ngày và sau 4 – 5 ngày dùng kháng sinh bệnh nhân đã thấy những triệu chứng áp xe thuyên giảm rõ rệt, gần như biến mất hoàn toàn.
Thuốc giảm đau
Tình trạng áp xe răng gây ra hậu quả là những cơn đau nhức dữ dội, đau lan tỏa và kèm theo biểu hiện sốt. Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như ibuprofen, acetaminophen hoặc paracetamol có thể được chỉ định sử dụng ngay sau khi rạch áp xe để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Thuốc chống viêm
Thuốc kháng viêm có vai trò ngăn chặn quá trình viêm nhiễm tiếp tục xảy ra, ức chế hệ miễn dịch, giảm sự di chuyển của bạch cầu tới các vị trí viêm làm thuyên giảm các triệu chứng viêm, tiêu mủ và chữa lành tổn thương.
Các loại thuốc chống viêm trong phác đồ điều trị áp xe răng thường có Prednisone, Dexamethasone, Methylprednisolone, Lysozym với liều dùng cụ thể được kê cho từng đối tượng bệnh nhân.
Dung dịch sát khuẩn răng miệng
Một số loại dung dịch sát khuẩn dùng trong điều trị nhiễm trùng răng miệng như Hydrogen peroxide, Chlorhexidine gluconate, nước muối sinh lý được sử dụng để loại bỏ vi khuẩn khỏi khoang miệng, ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
Có thể bạn quan tâm: Thực hư hiệu quả của cách trị áp xe răng tại nhà
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị áp xe răng
Tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ
Các loại thuốc được kê toa điều trị áp xe răng thường là các dòng thuốc kháng sinh, chống viêm có dược động học cao, tác dụng nhanh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nếu dùng không đúng liều.
Vi thế, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý đổi thuốc, tự thay đổi liều lượng so với toa thuốc được kê. Đặc biệt đối với các loại thuốc kháng sinh, bệnh nhân nên uống đúng và đủ theo đơn thuốc, không vì thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm mà ngưng uống thuốc.
Ngoài ra, người bệnh nên dùng thuốc đều đặn và đúng giờ như trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn để thuốc phát huy tối đa hiệu quả tác dụng.
Thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng và các bệnh lý đang gặp phải
Nếu như bạn đang trong quá trình điều trị một số bệnh lý và đang uống thuốc thì cần thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng. Từ đó, bác sĩ có thông tin để kê đơn thuốc an toàn, tránh tình trạng các loại thuốc xảy ra tương tác về thành phần và giảm hiệu quả.
Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý như bệnh về gan, thận, người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc ví dụ dị ứng thuốc chứa steroid… cần khai báo với bác sĩ trong giai đoạn thăm khám ban đầu.
Bệnh nhân bị áp xe răng đang mang thai hoặc cho con bú cần báo với bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp.
Theo dõi các phản ứng sau khi dùng thuốc
Bên cạnh tác dụng điều trị bệnh, mỗi loại thuốc đều tiềm ẩn nguy cơ gây ra các tác dụng phụ. Vì thế, sau khi uống thuốc bạn cần theo dõi và thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy một số dấu hiệu bất thường sau đây:
- Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…
- Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ, tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở sau khi uống thuốc.
- Dị ứng nổi mẩn, phát ban, ngứa, mề đay, sưng mặt, môi, lưỡi, mất vị giác…
- Các tác dụng phụ nghiêm trọng ít gặp như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, suy gan, thận, tăng huyết áp, tinh thần lú lẫn, không tỉnh táo…
Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc và bảo quản thuốc đúng cách
Thuốc hết hạn thường bị giảm hiệu quả điều trị và không an toàn cho sức khỏe, khi mua thuốc chúng ta nên lưu ý kiểm tra kỹ hạn sử dụng in trên bao bì.
Bên cạnh đó, khi dùng thuốc cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, không để thuốc tiếp xúc với nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp. Tránh để thuốc ở tầm với của trẻ em.
Chăm sóc khi điều trị áp xe răng bằng thuốc
Trong thời gian phục hồi sau điều trị áp xe răng, người bệnh cần được chăm sóc đầy đủ về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ để thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, củng cố sức khỏe răng miệng. Cụ thể
Thuốc điều trị áp xe răng – nhất là thuốc kháng sinh thường làm chết các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, ảnh hưởng hệ tiêu hóa và khả năng hấp thu dinh dưỡng. Vì thế người bệnh nên tăng cường ăn các thức ăn giàu lợi khuẩn như sữa chua, dưa muối, kim chi, các thực phẩm giàu chất xơ…
Tăng cường bổ sung vitamin C, A, E, K có nhiều trong hoa quả, rau xanh – những chất này giúp chống viêm, thúc đẩy tái tạo tế bào mới để các tổn thương mau lành.
Uống thật nhiều nước để tăng cường đào thải các chất có hại trong thuốc ra khỏi cơ thể, đồng thời tăng cường trao đổi chất, vận chuyển dinh dưỡng tới các mô, tế bào bị thương.
Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách chải răng, súc miệng, xỉa răng bằng chỉ nha khoa thường xuyên là cách đơn giản để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Từ đó phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng và áp xe tái phát.
Áp xe răng không chỉ khiến chúng ta phải chịu đựng những cơn đau nhức, mệt mỏi mà còn tiềm ẩn những mối nguy lớn với sức khỏe tổng thể. Vì thế, khi có dấu hiệu bị áp xe răng, bạn cần đi khám nha khoa ngay lập tức để được điều trị kịp thời. Đừng quên lịch khám nha khoa định kỳ của bạn để luôn chủ động kiểm soát sức khỏe răng miệng của bản thân.