Răng bị hao mòn mặt nhai là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời chúng ta như một hiện tượng sinh lý. Tuy nhiên khi răng bị hao mòn quá mức với tốc độ nhanh thì cần theo dõi và điều trị sớm bởi nó có thể gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe răng miệng. Cùng tìm hiểu về tình trạng răng bị mòn mặt nhai – nguyên nhân, điều trị và phương pháp hạn chế vấn đề này.
Mục lục
Răng bị mòn mặt nhai là gì?
Răng bị mòn mặt nhai là hiện tượng bề mặt nhai của răng bị mất đi các mô cứng khiến ngà răng bị lộ ra màu vàng nhạt, đi kèm với đó là tình trạng bề mặt răng bị lõm nông hoặc sâu. Khi bị mòn răng mặt nhai bạn sẽ cảm nhận răng ê buốt nhạy cảm khi ăn, nhai hoặc cắn vật cứng gây ra nhiều khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt.
Nguyên nhân khiến răng bị mòn mặt nhai
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng men răng mặt nhai bị bào mòn, chúng bao gồm:
Xói mòn do axit
Axit có thể dễ dàng làm mềm men răng và khiến cho men răng bị bào mòn trong quá trình ăn nhai hoặc vệ sinh răng miệng. Lượng axit trong khoang miệng tăng khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều các thức ăn giàu axit như rượu, trái cây chua, đồ uống có ga…
Ngoài ra, tình trạng răng bị mòn mặt nhai do axit còn xuất phát từ bệnh lý trào ngược dạ dày, dịch vị dạ dày khi trào ngược lên khoang miệng có thể bào mòn bề mặt răng, gây chua miệng và viêm họng…
Tình trạng khô miệng, giảm tiết nước bọt cũng khiến cho nồng độ axit trong khoang miệng tăng cao và dễ gây xói mòn răng.
Mài mòn cơ học
Mài mòn cơ học khi hai hàm răng chà xát vào nhau thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng mòn răng bề mặt nhai. Quá trình ăn nhai thức ăn chính là một yếu tố mài mòn, nếu kết hợp với các vấn đề như men răng yếu do thiếu chất, dùng thuốc… thì mức độ mòn có thể gia tăng.
Nghiến răng là một hội chứng khiến hai hàm răng siết chặt và chà xát quá mức mà bản thân người bị không kiểm soát được, chứng nghiến răng thường diễn ra trong giấc ngủ hoặc khi tâm lý căng thẳng. Nếu như một người bị chứng nghiến răng kéo dài thì dễ có nguy cơ bị mòn răng mặt nhai.
Các tác động vật ý khác như chải răng không đúng cách, dùng lực chà quá mạnh lên bề mặt nhai của răng mỗi ngày sẽ khiến men răng ở mặt nhai của răng bị bào mòn dần.
Các mức độ mòn răng mặt nhai
Mòn răng mặt nhai là tình trạng mất mô răng cứng ở bề mặt tiếp xúc giữa hai hàm răng và hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp tới chiều cao của thân răng. Dựa trên mức độ mất men răng có thể phân chia mòn răng mặt nhai thành 3 cấp độ:
- Cấp độ 1 răng bị mòn ít hơn 1/3 chiều cao thân răng
- Cấp độ 2 răng mòn từ 1/3 đến 2/3 chiều cao thân răng
- Cấp độ 3 bị mất men răng, ngà răng xác định trên 2/3 chiều cao thân răng.
Mức độ mòn răng do sinh lý diễn ra liên tục và chậm rãi khiến men răng bị bào mòn đi khoảng 0.04mm mỗi năm. Trong khi đó mòn răng cấp độ II, III thường do bệnh lý và răng ngắn đi khiến khớp cắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, suy giảm chức năng của cơ nhau và gây rối loạn khớp thái dương hàm.
Tìm hiểu thêm: Mòn cổ răng là gì? Có nguy hiểm không?
Cách khắc phục răng bị mòn mặt nhai
Liệu pháp Fluor tái khoáng hóa
Tái khoáng hóa men răng là phương pháp điều trị và phòng ngừa các bệnh về răng miệng như sâu răng, mòn răng, răng ê buốt nhạy cảm. Liệu pháp tái khoáng men răng răng có thể được thực hiện tại cơ sở nha khoa hoặc tại nhà bằng việc sử dụng các chế phẩm chứa Fluoride dùng tại chỗ như kem đánh răng, nước súc miệng, gel, kem bôi…
Liệu pháp Fluor giúp thúc đẩy quá trình tái khoáng men răng bằng cách cho Fluoride hấp thụ vào bề mặt răng đang bị khử khoáng. Fluoride sẽ thu hút các khoáng chất khác như canxi tới tạo thành khoáng chất răng mới cứng chắc hơn răng ban đầu.
Thông thường các loại kem đánh răng chứa Fluoride giúp củng cố men răng, chống sâu răng trên thị trường sẽ chứa Fluoride nồng độ từ 1000 ppm – 1.500 ppm. Đối với kem đánh răng chứa Fluoride được kê toa thì nồng độ Fluoride thường cao ở mức 4.950 ppm và nó được chỉ định sử dụng để đánh răng 1 lần trong ngày.
Nước súc miệng chứa natri florua 0,05% là chế phẩm Fluoride an toàn và có thể được sử dụng để súc rửa hàng ngày.
Chú ý răng những sản phẩm chứa Fluoride thường không được chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc những người sống trong vùng nước chứa Florua cao.
Các sản phẩm khác như gel bọt, kem bôi, vecni chứa Florua được sử dụng trong liệu trình có sự chỉ định của bác sĩ nha khoa để điều trị sâu răng, men răng bị khử khoáng.
Trám răng
Trám răng hay hàn răng là một thủ thuật nha khoa không mấy xa lạ. Biện pháp này là cách dùng vật liệu hàn trám chuyên dụng trám vào các vùng răng bị khuyết men răng do sâu răng, mòn răng, sứt mẻ….
Tìm hiểu: Quy trình trám răng
Trám răng giúp khắc phục hiệu quả tình trạng bề mặt nhai của răng bị mòn bằng việc cách ly các mô răng nhạy cảm, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào khoang răng. Ngoài ra trong quá trình trám răng, nha sĩ sẽ điều chỉnh sao cho miếng trám răng có thể giúp khôi phục những khuyết điểm ngoại hình của răng do bị bào mòn.
Vật liệu trám răng hiện đại nhất hiện nay là composite – chất này có khả năng bám dính cao vào mô răng tạo độ bền cho miếng trám răng. Hơn nữa, vật liệu composite cũng có màu sắc đồng nhất với màu răng nên tính thẩm mỹ cao.
Để thực hiện trám răng, tùy vào vị trí răng bị mòn cần trám, bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành tạo xoang trám, đổ vật liệu trám sau đó làm đông cứng bằng ánh sáng xanh. Kết thúc trám răng, bác sĩ sẽ tạo hình và điều chỉnh sao cho khớp cắn vừa khớp, không bị cộm cấn.
Trám răng để khắc phục răng bị mòn mặt nhai là phương pháp phổ biến, hiệu quả nhanh chóng và chi phí vừa phải. Tuy nhiên, tuổi thọ của miếng trám thường không lâu bền và cũng có khả năng bị đổi màu qua thời gian.
Hỏi đáp: Bà bầu có trám răng được không?
Bọc răng sứ
Bọc răng sứ là một giải pháp hiệu quả lâu dài và bền vững đối với trường hợp răng bị mòn mặt nhai. Nếu như bề mặt tiếp xúc của hai hàm răng bạn bị mòn nghiêm trọng, ngà răng bị lộ ra nhiều và ê buốt liên tục thì bọc răng sứ là phương pháp tối ưu.
Việc gắn mão sứ giúp bao bọc ngà răng, bảo vệ tối đa cho ngà răng, tủy răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn cũng như sự bào mòn hóa học và cơ học. Mão răng sứ có màu sắc và hình dáng tương khớp với răng thật nên khôi phục hiệu quả thẩm mỹ hàm răng.
So với trám răng, bọc răng sứ là phương pháp thẩm mỹ nha khoa có chi phí cao và gây xâm lấn khi cần mài cùi răng nhỏ đi tới kích thước phù hợp để gắn mão răng.
Tìm hiểu: Tụt lợi có nên bọc răng sứ hay không?
Làm thế nào để hạn chế mặt nhai của răng bị mòn?
- Tránh tiêu thụ những thực phẩm có thể khiến răng phải tiếp xúc nhiều với axit như nước ngọt, nước trái cây, đồ ăn chứa nhiều đường.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi như phô mai, sữa chua, sữa tươi… giúp răng cứng chắc, men răng bóng khỏe và hạn chế bị bào mòn
- Dùng ống hút để các loại nước có tính axit như cà phê, soda, nước cam ép… để bảo vệ men răng của bạn.
- Tạo thói quen súc miệng sau khi ăn để trung hòa nồng độ axit trong khoang miệng, loại bỏ các tạp chất dư thừa, mảng bám trên bề mặt răng.
- Uống nhiều nước hơn để tránh khô miệng, uống nước giúp tăng tiết nước bọt và trong nước bọt chứa nhiều khoáng chất chống bào mòn răng.
- Nhai kẹo cao su xylitol không đường cũng kích thích tiết nước bọt chống khô miệng và mòn răng.
- Điều trị y tế với các bệnh lý nguyên nhân gây mòn răng mặt nhai như bệnh viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản…
- Thay mới bàn chải nếu như đầu lông chải quá cứng, ưu tiên sản phẩm bàn chải đánh răng có đầu lông mềm và kích thước phù hợp.
- Dùng kem đánh răng và nước súc miệng chứa Fluoride để dự phòng tình trạng men răng bị khử khoáng, tạo một lớp bảo vệ chắc chắc cho răng của bạn.
- Thực hiện thao tác chải răng nhẹ nhàng, dùng lực đều ở tất cả các bề mặt răng và không chải răng theo chiều ngang mà chải theo chiều dọc thân răng và xoáy tròn ở các bề mặt răng.
Như vậy, bài viết trên đây đã chia sẻ những thông tin vô cùng bổ ích liên quan tới tình trạng men răng bị mòn mặt răng nhai. Đây không phải là tình trạng cấp tính diễn ra trong ngày 1 ngày 2 mà xảy ra trong một quá trình lâu dài. Điều quan trọng là bạn cần phát hiện sớm ngay khi có những dấu hiệu răng ê buốt nhạy cảm để xử lý sớm, ngăn chặn những ảnh hưởng nghiêm trọng do mòn răng gây ra. Hãy tuân thủ lịch khám nha khoa định kỳ để nha sĩ giúp bạn phát hiện sớm các vấn đề răng miệng đang tồn tại và xử lý.