Răng sún là một vấn đề răng miệng phổ biến ở trẻ em từ 1 – 3 tuổi khiến hàm răng sữa của bé trông kém thẩm mỹ và tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý răng miệng khác. Cha mẹ cần quan tâm và phòng ngừa tình trạng sún răng cho bé bằng cách trang bị kiến thức đầy đủ về vấn đề răng miệng này. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về khái niệm, nguyên nhân, biểu hiện, ảnh hưởng cũng như cách điều trị phòng ngừa tình trạng sún răng cho bạn đọc quan tâm.
Mục lục
Răng sún là gì?
Răng sún là tình trạng men răng bị mủn dần từng lớp từ ngoài vào trong khiến thể tích thân răng suy giảm, tiêu mòn đi. Tốc độ sún răng diễn ra khá nhanh, nhiều bé bị sún gần như cả hàm răng. Tuy nhiên tình trạng sún răng lại không gây cảm giác đau nhiều cho trẻ như sâu răng.
Răng sún thường có màu nâu đen, mức độ ăn mòn men răng nhanh đến nỗi có những răng sữa chỉ còn mỏm chân răng. Từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng ăn nhai và nụ cười của bé. Cha mẹ nên quan sát và phát hiện trẻ bị sún răng sớm thông qua các biểu hiện sau.
Biểu hiện của răng sún
Lớp men răng sữa không còn độ bóng, trong và trắng sáng thay vào đó men răng dường như trở nên đục màu.
Dấu hiệu răng sữa bị mủn đi khiến diện tích, hình thái của chiếc răng bị thay đổi, chiều cao thân răng bị ngắn đi.
Răng sún nghiêm trọng thường có màu ố vàng hoặc màu đen, răng bị ăn mòn dần cụt tới chân răng sát nướu khiến răng nhạy cảm và trẻ dễ bị viêm nướu.
Nguyên nhân gây răng sún
Trẻ ăn nhiều đồ ngọt
Những loại đồ ăn ngọt chứa nhiều đường như bánh kẹo, mứt, hoa quả sấy dẻo, nước ngọt có ga là những món đồ ăn ưa thích của trẻ. Nếu ăn quá nhiều những loại thực phẩm này sẽ gây tăng nồng độ axit trong khoang miệng. Axit là yếu tố chủ yếu có thể ăn mòn các mô cứng của răng gây sún răng.
Ngoài ra, trẻ em ở độ tuổi dưới 3 tuổi cần uống nhiều sữa để phát triển thể chất và trí tuệ. Nhiều bé vẫn ti mẹ hoặc uống sữa đêm và đây cũng có thể là một trong các nguyên nhân gây sún răng.
Đọc thêm: Ăn kẹo sâu răng – mối liên hệ giữa đồ ngọt và sức khỏe răng miệng
Do vấn đề vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng kém khiến các mảng bám, thức ăn thừa còn sót lại trên răng tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn hoạt động gây ăn mòn men răng, sún răng, sâu răng.
Các bé từ 1 – 3 tuổi chưa thể hình thành thói quen chủ động, tự giác vệ sinh răng miệng mỗi ngày. Vì thế, nếu cha mẹ bỏ qua việc nhắc nhở, hỗ trợ bé làm sạch răng miệng thì các bé sẽ dễ bỏ qua việc đánh răng súc miệng hoặc có làm nhưng không đảm bảo kỹ lưỡng.
Tìm hiểu: Không đánh răng trước khi đi ngủ – Mối họa khôn lường
Do trẻ bị thiếu chất
Các bé bị thiếu hụt chất canxi, fluoride, phốt pho, magie, vitamin D… thường dễ có nguy cơ bị sún răng do thiếu chất khiến cấu trúc men răng không đủ cứng cáp, dễ bị ăn mòn bởi các điều kiện hóa học, bào mòn vật lý.
Các bà mẹ khi mang thai dùng nhiều thuốc kháng sinh
Các mẹ trong khi đang mang thai có sử dụng các thuốc kháng sinh như Tetracycline hoặc Doxycycline thì em bé khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ cao bị sún răng và các bệnh lý răng miệng khác.
Hậu quả của răng sún
Sún răng ở trẻ em thường không chỉ xảy ra ở 1 chiếc răng mà thường lan rộng theo nhóm răng hoặc cả hàm răng. Khi trẻ bị sún răng sớm trước thời điểm mọc răng vĩnh viễn thì hàm răng sẽ bị trống khuyết trong một thời gian, từ đó ảnh hưởng nhiều đến khả năng ăn nhai và tiêu hóa của bé.
Trẻ bị sún răng cửa dễ bị ảnh hưởng phát âm, nhiều bé mắc tật nói ngọng, phát âm không chuẩn do cấu trúc răng không đóng khít.
Răng bị sún thường mang theo vi khuẩn có hại tới xâm nhập các tổ chức răng và xung quanh răng như nướu, nha chu… Từ đó gây ra các bệnh răng miệng khác như viêm nướu, sâu răng, viêm tủy răng, viêm nha chu…
Răng sún khi còn là răng sữa có thể ảnh hưởng nhiều đến tiến trình mọc răng vĩnh viễn. Khi răng bị sún sớm, lợi bao phủ chân răng sún sẽ có nguy cơ đóng chặt khiến việc răng vĩnh viễn mọc lên khó khăn và dễ bị mọc lệch.
Cuối cùng, khi bé đã có nhận thức về vẻ ngoài, đôi khi bé sẽ tự tin về hàm răng bị sún và ngại giao tiếp với mọi người xung quanh hoặc ngại ngùng, nói lí nhí.
Sún răng gây tình trạng răng đau hoặc ê buốt, nhạy cảm nên việc ăn uống gặp nhiều khó khăn, lâu dài có thể khiến bé trở nên biếng ăn, chậm tăng cân.
Cách điều trị răng sún
Khi bé có các dấu hiệu bị sún răng, cha mẹ hãy đưa con đi khám nha khoa ngay để xác định tình trạng, mức độ răng bị sún. Với mỗi mức độ sún răng, bác sĩ nha khoa sẽ tư vấn các phương án điều trị khoa học.
Trám răng sún
Trong trường hợp răng bị sún nhẹ, trám răng là phương án hiệu quả để ngăn chặn men răng tiếp tục bị bào mòn đồng thời vẫn giữ nguyên răng gốc cho bé. Khi đó, hàm răng của bé đầy đủ và nguyên vẹn để thực hiện chức năng ăn nhai, tốt cho tiêu hóa của con.
Trám răng sún là quá trình nha sĩ sẽ làm sạch bề mặt răng bị sún, loại bỏ các mô răng bị tổn thương và trám bít, tạo hình răng lại bằng vật liệu chuyên dụng. Từ đó ngăn chặn quá trình ăn mòn của răng, giảm ê buốt răng, cải thiện hình thức và chức năng ăn nhai cho hàm răng của bé.
Đọc thêm: Trẻ bị sâu răng đau nhức phải làm sao?
Nhổ răng sún
Nhổ răng có thể được cân nhắc trong các tình huống răng sún nghiêm trọng, ăn cụt vào chân răng hoặc sún răng gây viêm tủy răng hoại tử. Tùy vào độ tuổi, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có nên nhổ răng bị sún sớm hay không. Khi trẻ bước vào độ tuổi từ 6 tuổi trở đi mới bắt đầu mọc răng vĩnh viễn, nếu như nhổ răng khiến cho hàm bị trống sớm thì nguy cơ hàm răng vĩnh viễn sau này sẽ bị mọc lệch.
Tìm hiểu thêm: Chụp thép răng sữa cho trẻ có nên không?
Chăm sóc tại nhà
Nguyên nhân phổ biến gây sún răng là chế độ ăn uống kết hợp vệ sinh răng miệng kém. Vì thế, nếu như đang điều trị răng sún, các bậc cha mẹ cũng nên chú ý đến việc chăm sóc răng miệng cho bé tại nhà.
Đối với các em bé còn nhỏ tuổi thì việc dùng bàn chải đánh răng sẽ gặp nhiều khó khăn, thay vào đó, cha mẹ nên dùng miếng gạc y tế hoặc gạc rơ lưỡi để vệ sinh răng, nướu và lưỡi của bé
Cha mẹ nên cai sữa đêm cho các bé từ 7 tháng tuổi và đủ cân nặng để ngăn ngừa tình trạng men răng bị phá hủy bởi vi khuẩn ăn đường và sản sinh ra axit. Nếu như bé cần uống sữa đêm, sau khi bé uống, cha mẹ sẽ cho uống một chút nước để làm sạch khoang miệng.
Bên cạnh việc làm sạch răng miệng bằng cách đánh răng, rơ lưỡi, nếu bé đã biết súc miệng mẹ có thể áp dụng các mẹo chữa sún răng bằng thảo dược như súc miệng nước lá trầu không, lá lốt… giúp sát khuẩn khoang miệng.
Tìm hiểu thêm: Kem đánh răng phù hợp cho bé 2 tuổi
Cách phòng ngừa răng sún
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học cho bé
Trẻ em ở độ tuổi từ 1 – 3 tuổi cần ăn uống đa dạng và tập trung bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Cha mẹ nên quan tâm đến việc bổ sung các dưỡng chất có lợi cho sự phát triển của xương và răng như canxi, vitamin D… Những chất này có nhiều trong các thực phẩm như trứng, sữa và chế phẩm từ sữa, các loại đậu, hạt ngũ cốc…
Mặt khác, những thực phẩm không tốt cho men răng của trẻ như bánh kẹo, đồ ngọt, nước có gas… cần hạn chế, không vì chiều theo sở thích mà cho bé ăn, uống quá nhiều.
Cha mẹ cần cho bé uống nhiều nước lọc mỗi ngày để trung hòa axit trong khoang miệng và chống khô miệng. Giảm thiểu tình trạng răng bị ăn mòn, sâu răng, hôi miệng…
Hướng dẫn, hỗ trợ bé trong việc vệ sinh răng miệng
Mỗi khi bé đánh răng, cha mẹ cần ở bên cạnh để hướng dẫn bé thao tác đánh răng đúng cách, khuyến khích bé đánh răng đủ 2 lần/ngày. Các bé còn nhỏ thì cha mẹ dùng khăn hoặc gạc để vệ sinh răng, nướu và lưỡi cho bé.
Chọn bàn chải mềm, kem đánh răng thích hợp với độ tuổi và có thiết kế kích thích cảm hứng cho bé yêu thích việc đánh răng mỗi ngày.
Khi trẻ mới ăn xong, nên súc miệng cho trẻ hoặc cho uống nước để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám răng miệng.
Lưu ý trong việc dùng thuốc kháng sinh cho bé
Các bé nhỏ tuổi dễ bị ốm và cần dùng thuốc kháng sinh, một số loại thuốc kháng sinh có thể khiến răng của bé bị xỉn màu, men răng suy yếu như tetracycline. Vì thế, đối với trẻ nhỏ, khi bé bị bệnh cha mẹ cần cho bé đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nhất là các loại thuốc kháng sinh không thể sử dụng tùy tiện.
Cho bé đi khám nha khoa định kỳ
Trẻ em cũng như người lớn, các vấn đề răng miệng có thể đang tồn tại và diễn biến âm thầm mà cha mẹ không hay biết. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé, bố mẹ hãy đưa bé đi khám nha khoa định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Việc khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe răng miệng giúp ngăn chặn sớm những nguy cơ bệnh lý răng miệng có thể phát sinh, cũng như có những điều chỉnh cần thiết nếu cấu trúc răng của bé có vấn đề, có thể ảnh hưởng đến hình thái và khớp cắn của bé sau này.
Như vậy, bài viết đã cung cấp cho các bậc cha mẹ cái nhìn tổng quan về tình trạng răng sún ở trẻ em. Từ đó, giúp phụ huynh có thêm kiến thức để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé để con luôn nở nụ cười tự tin, hồn nhiên đúng lứa tuổi.